Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

PHƯƠNG PHÁP HỌC PHONG THỦY

PHƯƠNG PHÁP HỌC PHONG THỦY
Nắm vững tri thức cơ bản, kiến tạo tư duy biện chứng

Về phương pháp học phong thuỷ, cần phải nắm vững hai nội dung quan trọng như sau: thứ nhất, phải hiểu được phong thuỷ là gì? Phong thuỷ gồm những yếu tố nào; thứ hai, các giai đoạn trong học tập phong thuỷ mà người học phong thuỷ phải trải qua.
Khái niệm Phong thuỷ xuất hiện sớm nhất trong cuốn sách Táng Thư do tác giả Quách Phác đời Tấn biên soạn. Mở đầu sách viết: “ Táng giả, thừa sinh khí dã! Khí thừa phong tắc tán, giới thuỷ nhi chỉ! cổ nhân tụ chi sử bất tán, hành chi sử hữu chỉ, cố vị chi phong thuỷ.” Từ đoạn văn trên chúng ta có thể thấy được rằng điểm cốt lõi của phong thuỷ là Sinh Khí, điều kiện để Phong Thuỷ tồn tại là Tàng phong và Đắc thuỷ. Nói một cách khác, mấu chốt của việc nghiên cứu học phong thuỷ chính là nghiên cứu sự Vượng – Suy của Khí. Và, yếu tố tác động đến sự biến đổi vượng – suy chính là Phong và Thuỷ. Đây là yếu tố và nội dung quan trọng nhất khi học phong thuỷ.   

Đoạn dẫn nhập của tác giả chỉ rõ phương hướng và phạm trù nghiên cứu trong phương pháp học phong thuỷ. Về phương hướng học tập, ông đã nêu rõ các yếu tố cơ bản nhất trong phong thuỷ học mà chúng ta cần phải nắm được đó là sự biến hoá thay đổi của khí, đó là sự chuyển hoá giữa vượng và suy. Cũng giống như khi ta học một chuyên ngành bất kỳ trong trường Đại học, điều đầu tiên phải biết là mình học chuyên ngành gì. Nếu không dù có học cả đời, sở học của chúng ta cũng không thành, vì rằng chúng ta đã học một thứ mà bản thân chúng ta không biết đó là gì? Về phạm trù nghiên cứu trong học phong thuỷ, Quách Phác chỉ ra rằng, hai yếu tố vật chất quan trọng tác động đến sự thay đổi của khí là Phong và Thuỷ. Vì thế nghiên cứu phong thuỷ chính là nghiên cứu hai yếu tố vật chất Phong (gió) và thuỷ ( nước) tác động như thế nào để từ đó hình thành nên sự chuyển hoá giữa vượng – suy của khí. Các bậc tiền nhân đã chỉ một cách rõ ràng bản chất thật sự của phong thuỷ đó là gió và nước! Do đó, nếu bỏ qua hai yếu tố Phong ( gió) và Thuỷ ( nước) mà luận phong thuỷ thì có thể gọi là phong thuỷ giả tạo, phong thuỷ hình thức. Vậy nên, xây dựng một hệ biện chứng về phương pháp luận về sự tác động tương hỗ giữa hai yếu tố vật chất này là bước đi nền tảng vô cùng quan trọng trong phương pháp học phong thuỷ. Có thể nói rằng nếu không hiểu được điều này thì càng học càng lệch, càng rời xa bản chất của phong thuỷ.


Vậy khí là gì? có thể dẫn một câu ngạn ngữ của Trung Quốc để nói về bản chất của khí: “ Nhân tại trần trung bất kiến trần, Ngư tại thuỷ trung bất kiến thuỷ” ( người ở trong không khí không nhìn thấy không khí, con cá ở trong nước không nhìn thấy nước). Hai câu ngạn ngữ trên đã mô tả một cách hình tượng về hình thức tồn tại của khí. Khí tồn tại khắp nơi quanh ta, nhưng chúng ta không nhìn thấy sự tồn tại của chúng, mặc dù lúc nào chúng ta cũng hít thở không khí. Sự tồn tại của khí có thể nhìn thấy và cảm nhận được dưới hình thức khác. Ví dụ trong một căn phòng đóng kín cửa, có một ô sáng trên nóc nhà, khi ánh sáng mặt trời rọi vào bên trong ngôi nhà ấy qua ô sáng, ta sẽ thấy trong luồng ánh sáng ấy có vô số hạt “bụi” li ti di chuyển, nhìn vào đó ta biết được sự tồn tại và biến hoá của khí. Cũng như vậy, khi cá ở trong nước nó sẽ không nhìn thấy được nước. Người xưa đã giải thích rất sâu sắc về khí như sau: khí khi ở trạng thái động là gió, khi ở trạng thái tĩnh là khí, khí có hình nhưng không có hài, khí có mặt khắp nơi trong không gian nhưng không chiếm bất cứ chỗ nào cả.


Tục ngữ Trung Quốc nói: “ Phong thuỷ luân chuyển, ba mươi năm bờ sông đông, ba mươi năm bờ sông tây”; tục ngữ Việt Nam có câu: “ Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Sự luân chuyển giữa thịnh – suy luôn tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử loài người. Từ bậc đế vương, khai sáng thiên hạ, xây dựng chế độ phong kiến có chiều dài lịch sử mấy trăm năm, hoặc chỉ vẻn vẹn mấy mươi năm; đến cuộc sống của kẻ tiện dân chỉ trong vài chục năm là bước vào sự luân chuyển thay đổi. Sự thay đổi đó cho chúng ta biết rằng: Khí đã tận ( hết)! vì sao khí đã tận? Khí có mặt khắp nơi trong không gian, mà không chiếm bất cứ vị trí nào trong không gian, sao gọi là khí đã tận? trong vũ trụ mênh mông bể sở này, khí chịu sự tác động nào mà để đến tận như vậy?


Sách viết: cái đạo của đất, khởi nguồn từ ý nghĩa biểu trưng trong Hà đồ và Lạc thư, từ Hà đồ và Lạc thư lại suy ra sự tồn tại song song và đối lập của Âm Dương, điều đó được minh chứng từ sự thịnh suy của khí trong mỗi vận. Sự vượng suy của khí, xét cho cùng đó chính là quy luật của Âm Dương khi giữa chúng một mặt cùng tồn tại song song với nhau và mặt khác lại đối lập nhau. Tư tưởng chủ đạo của Hà đồ là luận Âm Dương Tương Phối, là luận khí trong tiên thiên; tư tưởng xuyên suốt của Lạc thư là xét sự vượng suy của các vận, là xét sự hưng vượng – suy bại của các cung vị (tức vị trí của tứ vi và tứ chính phương) trong hậu thiên. Do đó, chúng ta có thể khẳng định rằng, yếu tố tác động đến vượng suy của khí chính là thời gian và phương vị ( không gian), chứ không phải do ý chí chủ quan của một cá nhân con người nào tác động đến nó khiến nó hưng vượng hoặc suy bại. Einstein bậc thầy của ngành vật lý học đã chứng minh sự tồn tại thống nhất và đối lập của hai yếu tố không gian và thời gian. Mô hình logic của hệ thống phong thuỷ cũng được hình thành trên nền tảng lý luận thời gian và không gian luôn thống nhất với nhau ấy. Ở đây, khí đóng một vai trò hạt nhân, chi phối toàn bộ cục diện cấu trúc của hệ thống, mà ảnh hưởng đến sự thay đổi của khí là hai yếu tố thời gian và không gian, con người trở thành nhân tố chịu sự tác động của khí. Nói một cách khác sự cát hung của khí, thể hiện thông qua sự may mắn, hưng thịnh hay xui xẻo, suy bại trong tất cả các mặt cuộc sống của con người.


Tóm lại, muốn học tốt phong thuỷ phải trên cơ sở hiểu tường tận cấu trúc logic của phong thuỷ và các yếu tố hình thành phong thuỷ. Nếu phong thuỷ không được xây dựng trên một cấu trúc hợp lý, khoa học với đầy đủ các yếu tố cấu thành như đã giới thiệu ở trên, bản thân phong thuỷ sẽ mất tính hệ thống hoàn chỉnh vốn có, đồng thời cũng mất đi chức năng vốn có của phong thuỷ, và sẽ không đạt được mục đích về kết quả học tập và hiệu quả vận dụng. Hiểu được các yếu tố bên trên, là đã đặt một chân vào cánh cửa của khoa học phong thuỷ


Về phương pháp học phong thuỷ, cần phải nội dung quan trọng thứ hai, các giai đoạn trong học phong thuỷ mà người học phong thuỷ phải trải qua.
Thầy Thanh Nguyên Hành Tư một cao tăng của phái Thiền Tông đời Đường đã chỉ rõ ba cảnh giới trong phép tu thiền như sau: cảnh giới thứ nhất, nhìn núi thấy đó là núi, nhìn sông thấy đó là sông; cảnh giới thứ hai, nhìn núi nhưng dường như không phải là núi, nhìn sông nhưng dường như không phải là sông; cảnh giới thứ ba, nhìn núi vẫn thấy là núi, nhìn sông vẫn thấy là sông. Trong phong thuỷ nói riêng và các môn học khác nói chung cũng phải trãi qua ba giai đoạn như vậy mới có thể đạt được kết quả! Phong thuỷ học lưu truyền đến ngày nay bởi hai hệ phái phong thuỷ lớn. Trong đó, phái phong thuỷ Loan đầu cũng còn gọi là phong thuỷ Hình Thế, nhấn mạnh yếu tố Hợp Tình, chủ yếu tập trung ở Giang tây; phái phong thuỷ Lý Khí, đề cao yếu tố Hợp Thời, tập trung chủ yếu ở vùng Phúc Kiến. Khi nói về Hình Thế là bàn đến mối quan hệ giữa các phương vị ( không gian), khi nhắc đến Lý Khí là luận mối quan hệ về thời gian. Các yếu tố Hình thế và Lý khí, không gian và thời gian phải đặt chung trong mối quan hệ hữu cơ mới hình thành một hệ thống phong thuỷ hoàn chỉnh. Có nghĩa là trong phong thuỷ nếu chỉ biết Hình thế mà không nắm được Lý khí thì chỉ biết được Long, Huyệt, Sa, Thuỷ mà không biết được lúc nào suy, khi nào vượng; cũng như vậy, hiểu Lý khí mà không tường Hình thế thì chỉ biết suy vượng vào lúc nào nhưng không biết cuộc đất nào sinh vượng, cuộc đất nào suy vong. Trong hai hệ phái Lý khí và Hình thế, Lý khí phải được xây dựng trên cơ sở của Hình thế.
Bước đầu tiên khi học phong thuỷ. Giai đoạn này phải nắm cho tường tận các yếu tố trong phạm trù Hình thế. Trong nội dung này, chủ yếu học về các vấn đề về cơ sở lý luận, tập quan sát và rèn luyện tính kiên nhẫn. Quan sát các hình dạng của vật thể kiến trúc: vuông tròn, dài ngắn, thẳng thóm, khúc khuỷu, cao thấp, lồi lõm v.v. Trong phong thuỷ, hình dạng vật thể kiến trúc như thế nào thì sẽ có những thể hiện cụ thể ứng với hình dạng ấy. Ví dụ: một ngôi nhà toạ Bắc hướng Nam, nếu khuyết một góc nhỏ ở tay trái, ta gọi đó là cát trạch; nếu phần khuyết quá lớn, chiếm hơn một nửa thì trở thành hung trạch, hậu quả khôn lường. Tất cả những điều ấy phải dựa và sự quan sát tinh tế để đưa ra kết luận chính xác. Trong giai đoạn này chúng ta chỉ nhìn từ hình dạng bên ngoài chứ chưa thấy được sự kỳ diệu chứa đựng bên trong hình dạng đó. Như phần giới thiệu ở phía trước, người học mới chỉ bước vào cảnh giới thứ nhất: nhìn núi thấy đó là núi, nhìn sông thấy đó là sông.
Bước thứ hai trong học phong thuỷ. Trong giai đoạn này, chủ yếu nghiên cứu sự tác động và ảnh hưởng của yếu tố thời gian trên cơ sở của sự biến đổi thời gian trong Tam nguyên và Cửu vận đối với yếu tố không gian (không gian sống của con người). Tới đây, chúng ta bắt đầu giai đoạn thứ hai, giai đoạn nhìn núi nhưng dường như đó không phải là núi, nhìn sông nhưng dường như không phải là sông. Trong giai đoạn này, khả năng quan sát môi trường phong thuỷ đã được nâng cao rất nhiều, người học cũng đã được trang bị một lượng kiến thức vừa phải. Do những kiến thức ấy chưa giải quyết hết tất cả các vấn đề về phong thuỷ, người học nhìn một cuộc diện phong thuỷ và điều chỉnh phong thuỷ theo xu hướng “ nhiều nhưng không tinh”. Qua một khoảng thời gian cọ sát với thực tế và tích luỹ kiến thức từ thực tế đó, việc điều chỉnh phong thuỷ sẽ chuyển sang giai đoạn “ tinh tế và có sức sống”.
Giai đoạn thứ ba trong học phong thuỷ là giai đoạn kết hợp Hình và Lý một cách nhuần nhuyễn, thành thục. Nội dung chủ yếu là nghiên cứu sự kết hợp hữu cơ giữa hai yếu tố không gian và thời gian, biết cách phân tích và lựa chọn sao cho sự kết hợp đó đạt đến trạng thái lý tưởng nhất. Nói theo cách nói của nhà Phật: giai đoạn giác ngộ! giai đoạn của cảnh giới thứ ba, nhìn núi vẫn thấy là núi, nhìn sông vẫn thấy là sông, nhưng những thứ “nhìn thấy” đã thoát ra khỏi cái vỏ của khái niệm thuần tuý “núi” và “sông”. Khái niệm núi và sông là bản thể hữu hình của tạo hoá, nó tồn tại trong thiên nhiên với vô vàn hình dạng khác nhau. Giai đoạn này là giai đoạn đỉnh cao nhận thức của con người về thiên nhiên, về sự kết hợp dung hoà giữa không gian và thời gian, sự cô đọng giữa Hình và Lý, sự kết tinh của Trời – Đất qua lăng kính của văn hoá Đông phương.
Sau khi học hết gian đoạn thứ ba, việc điều chỉnh phong thuỷ phù hợp với điều kiện môi trường sống hiện tại, khiến muôn vàn sự việc trong đời sống thường nhật của chúng ta đều có thể đạt được kết quả như mong muốn. Đó chính là mục đích của việc học và vận dụng phong thuỷ !  
Viết tại Lan Uyển Tiểu Trúc, Tân bình, Tp. HCM
Ngày 1 tháng 1 năm 2015
Lưu Dục Bân
Vương Khương Hải dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét